





Bạn đang có kế hoạch đi du lịch lễ hội hay đi chùa Hương dịp đầu năm nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn cho chuyến đi của mình. Vậy bạn hãy tham khảo những kinh nghiệm đi du lịch chùa Hương mà Sông Hồng Tourist chúng tôi đã chia sẻ cho bạn dưới đây để có một chuyến đi hài lòng nhất.
Chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nơi đây là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn và đặc biệt là vào các dịp đầu xuân năm mới lễ chùa du xuân luôn là một hoạt động được ưa chuộng và là một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần người Việt. Du lịch đến với chùa Hương không chỉ là một hành trình về đất Phật mà còn là dịp để thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên trù phú.
Các bạn có thể chọn đi bằng xe ô tô hay xe máy hoặc là có thể đi xe buýt. Xuất phát từ Hà Nội thì chúng ta có 2 con đường đi đến Chùa Hương.
- Đường 1: Đi theo hướng Nguyễn Trãi – Hà Đông rồi rẽ trái ở ngã ba Ba La đi Vân Đình. Sau đó đi tiếp khoảng 40km tới Tế Tiêu rẽ trái và hỏi đường đến Chùa Hương.
- Đường 2: Đi theo hướng quốc lộ 1A Pháp Vân – Cầu Rẽ rồi rẽ phải ở nút giao Đồng Văn vào quốc lộ 38 và chạy tiếp tầm 15km theo hướng chợ Dầu là đến chùa Hương. Tuy nhiên đường này chỉ dành cho loại phương tiện xe ô tô đi qua, nếu các bạn đi xe máy thì nên đi theo đường 1 hoặc là đi theo quốc lộ 1A cũ hướng đi Thanh Trì.
Lưu ý với những bạn đi phượt bằng xe máy thì chú ý đoạn đường từ Bình Đà đến Kim Bài thường có những anh giao thông đứng ở đoạn cánh đồng do vậy các bạn nên mang giấy tờ cũng như gương xe đầy đủ để tránh bị mất tiền oan làm hỏng chuyến đi thú vị của bạn.
Với các bạn đi xe bus thì chuyến xe 211 với lịch trình Bến Xe Mỹ Đình – Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung – Quốc lộ 6 – Ngã ba Ba La – Quốc lộ 21 B – Tế Tiêu ( Thị trấn Đại Nghĩa) sẽ đưa bạn đến chùa Hương. Để bắt tuyến bus này, bạn có thể xuất phát từ bến Mỹ Đình hoặc đi các tuyến 01, 02 ra điểm bus ở đường Trần Phú để bắt xe 211. Hãy hỏi các bác phụ xe để xuống đúng điểm nhé.
Các bạn đi chùa Hương thì có thể đi vào bất cứ thời gian nào trong năm. Còn nếu các bạn đi lễ chùa thì khoảng thời gian từ tháng 1 đến hết tháng 3 âm lịch là khoảng thời gian diễn ra lễ hội chùa Hương, đỉnh cao là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch. Vào dịp này các bạn sẽ có cơ hội tham dự và hòa mình vào không khí tưng bừng cùng các hoạt động văn hóa của lễ hội Chùa Hương.
Nhưng nếu mục đích của các bạn là vãn cảnh thì nên tránh thời gian cao điểm của mùa lễ hội ra vì thời điểm này ở chùa Hương sẽ rất đông đúc các du khách thập phương hành hương đi lễ Phật, do vậy khó tránh khỏi tình trạng chen lấn và xuất hiện dịch vụ chặt chém. Vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 là thời điểm khá lý tưởng để ghé chân chùa Hương mùa không hội khi hoa súng nở rực rỡ trên dòng suối Yến cùng những cánh đồng lau bất tận sẽ là không gian thơ mộng và thích hợp cho bạn vãn cảnh và chụp hình.
Khu du lịch Chùa Hương là một quần thể kiến trúc rải rác trong thung lũng Suối Yến, có 4 tuyến hành hương :
Tuyến Hương Tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng.
Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài.
Tuyến Long Vân: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm.
Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn.
Giá vé tham quan thông thường là 50k cho một người và vé đi đò là 40k cho một người. Giá cáp treo từ chùa Thiên Trù lên tới động Hương Tích có giá là 140k một người đi 2 chiều và 90k nếu đi 1 chiều. Vào dịp lễ hội thương rất đông nên các bạn hãy chịu khó xếp hàng mua vé từ Ban tổ chức, không nên mua của các cò để tránh mua vé với giá trên trời
Có rất nhiều cò đò bám theo mời chào bắt khách ở khu vựa chùa thậm chí cách xa chùa 20km do vậy các bạn không nên đi theo cò đò vì giá vé sẽ bị chặt chém rất cao. Hãy mua vé ở cổng hội hoặc trực tiếp vào khu vực Suối Yến liên hệ với các nhà đò quanh bến.
Vào thời điểm dịp lễ hội đông đúc các nhà đò thường nhồi nhét thêm khách lên đò, để tránh bị tăng tiền, cũng như nhét thêm người, bạn nên thỏa thuận rõ ràng số tiền cũng như số lượng khách tối đa ngồi đò. Giá đò 2 lượt đi và về là 45k /người. Tuy nhiên, hành khách đi đò bắt buộc phải bồi dưỡng thêm cho nhà đò từ 50 -70k/ người. Đặc biệt các bạn phải chú ý an toàn khi ngồi đò.
Những món đặc sản không nên bỏ qua khi đi du lịch chùaHương như: dê núi, bò rừng, ngựa, nhím, tê tê…Dọc đường từ bến đò cho đến động Thiên Trù có rất nhiều nhà hàng ngon phục vụ cho các bạn lựa chọn, tuy nhiên các bạn hãy hỏi giá cả trước để tránh bị chặt chém nếu vào mùa lễ hội và lựa chọn nhà hàng hợp lý nhất. Nhà hàng Mai Lâm ở chân núi đường lên Thiên Trù có chất lượng dịch vụ khá tốt và hợp lý, bạn có thể dừng chân tại nhà hàng này để trải nghiệm.
Khi đi lễ chùa Hương thì đồ cúng lễ gồm: vàng, hương, trầu cau, rượu cúng, chè, hoa quả, bánh kẹo, tiền lẻ.. là không thể thiếu nên bạn hãy chuẩn bị sẵn từ nhà mang đi để tiết kiệm thời gian và chi phí. Mặc dù có rất nhiều điểm bán tại chùa Hương nhưng do đặc thù sông nước nên việc vận chuyển hàng hóa khó khăn nên giá cả cao hơn rất nhiều. Đồ cúng lễ mang theo có thể được dùng làm đồ ăn ngay, vừa đảm bảo vệ sinh mà lại tiết kiệm.
Ở Chùa Hương có rất nhiều thứ cho bạn lựa chọn mua mang về làm đồ lưu niệm hay mua đặc sản về làm quà cho bạn bè khi đi chùa Hương như: vòng tay, vòng cổ, chè củ mài, gương lược, mơ quả…nhưng không phải các loại mặt hàng được bày bán cũng là tốt, chính hãng, do vậy khi mua món đồ nào các bạn hãy hỏi giá cả cụ thể và kiểm tra đúng tên sản phẩm, số lượng, chất lượng đặc biệt khi trong mùa lễ hội thì các bạn hãy hết sức chú ý khi quyết định mua hàng.
Dọc con đường đi lên động Hương Tích cũng có rất nhiều hàng bán thuốc nam với giá 50k/ gói và được quảng cáo là uống 3 gói chữa bách bệnh, tuy nhiên các bài thuốc này thường không rõ nguồn gốc, chính vậy nên các bạn cẩn trọng với loại thuốc nam chữa bách bệnh này.